Phương Mục Dương thấy Phí Nghê cũng không nỡ từ bỏ bức tranh kia thì nói với Hứa Tuệ: “Vậy làm phiền cậu cất giữ giùm chúng tôi nhé. Nếu như cậu cần thì tôi có thể làm một khung tranh lồ ng kính cho cậu.” Anh nhận định Hứa Tuệ nếu đã mang tranh tới đây rồi thì sẽ không dễ dàng mang đi nữa, chẳng qua nấn ná với họ là có điều kiện, anh đợi Hứa Tuệ đưa ra điều kiện mới.
“Tôi cũng đâu phải kiểu người vô lý như vậy, bức tranh này tuy thuộc về tôi nhưng nếu hai người đã yêu thích nó thì tôi cũng sẵn lòng để nó lại cho hai người. Chỉ là tôi có một điều kiện…” Sợ bọn họ không chịu hỏi, mình không có cớ mở lời, Hứa Tuệ đành trực tiếp nói với Phí Nghê: “Tôi muốn vẽ một bức tranh tương tự cho cô ở phòng vẽ tranh bên cạnh, nếu như cô đồng ý, bức tranh này hai người có thể giữ lại thay tôi trước.”
Hứa Tuệ nghĩ khi còn chưa ở bên cạnh Phí Nghê mà Phương Mục Dương đã vẽ người ta, vậy thì sau khi kết hôn hẳn là phải vẽ tiếp không ít bức. Cô cũng phải vẽ cho Phí Nghê một bức chân dung, thắng được bức tranh gần nhất của cậu ta.
Vì chuyện vẽ tranh Phí Nghê mà hôm nay Hứa Tuệ còn cố ý mang theo chút rượu. Vẻ đẹp của Phí Nghê quá đoan chính, thêm một chút nữa là thành nghiêm chỉnh, nhưng ngay từ ánh mắt đầu tiên trông thấy Phí Nghê, Hứa Tuệ đã biết đằng sau sự đoan chính kia còn có một chút tinh nghịch, linh động nhẹ nhàng. Sự linh động nhẹ nhàng này gần như chỉ khi ở gần Phương Mục Dương mới có, cô vẫn nhớ rõ dáng vẻ của Phí Nghê khi nhón chân, vẫy tay với Phương Mục Dương. Nếu muốn nhìn lại dáng vẻ ấy một lần nữa, cô cần có một chút cồn.
Hứa Tuệ thích tìm kiếm sự quyến rũ ẩn sau đoan trang, chân thật ẩn sau tinh ranh. Cô không thích vẽ những hình tượng bình thường, mà thích đôi chút khác thường toát ra trong lúc lơ đãng. Cho dù không có Phương Mục Dương, cô vẫn rất muốn được vẽ tranh cho Phí Nghê.
Phí Nghê rất muốn lấy lại bức tranh thời thơ ấu của mình. Để có được nó, cô bằng lòng làm người mẫu cho Hứa Tuệ một ngày. Chỉ có điều hôm nay thì không được, mai cô còn phải đi làm, cho nên bọn họ rời đến Chủ Nhật.
Ước định xong xuôi, Hứa Tuệ vẫn chưa có ý định đi. Cô hỏi Phương Mục Dương: “Có thể cho tôi xem những bức tranh khác của cậu được không?”
Hứa Tuệ lật xem từng bức một. Cô vốn dĩ định chọn một tấm để đổi với Phương Mục Dương, nhưng lại muốn hơn một tấm, nhất thời không quyết định được.
Cô hỏi Phương Mục Dương hiện tại đang làm gì. Biết Phương Mục Dương đang ở nhà chờ sắp xếp công việc, lòng lại càng thấy hâm mộ. Có một căn phòng vẽ tranh như vậy, có thể tùy ý vẽ tranh bất cứ lúc nào, đúng là cuộc sống thần tiên. Vậy mà Phí Nghê cũng không giục cậu ta tìm một công việc chính thức.
Có một người vợ như thế, mới có thể vẽ được những bức tranh mà thời đại không chào đón, chỉ vì thỏa mãn cơn nghiện vẽ của chính mình.
Hứa Tuệ không ngạc nhiên vì chuyện Phương Mục Dương dùng sơn dầu để sao chép tranh của văn nhân thời xưa, cũng không ngạc nhiên vì chuyện Phương Mục Dương vẽ lại vợ mình trên chiếc khăn mặt vứt đi. Thứ khiến Hứa Tuệ nhạc nhiên chính là trong tranh của Phương Mục Dương, một ông lão nông dân ngoại thành gặm bánh bột bắp uống nước suông, khi ngắm ruộng lúa trước mặt cũng là dáng vẻ dương dương tự đắc, ánh mắt nhìn đồng lúa kia trông chẳng khác nào ánh mắt của một lãnh chúa thời phong kiến lúc đi tuần tra lãnh địa của mình.
Cô cũng từng vẽ những người nông dân lao động, cũng họa được những quang cảnh tươi vui. Nhưng khi vẽ, cô đều coi chúng là giả.
Song sự vui sướng trong tranh của Phương Mục Dương lại là sự thật, bởi thứ cậu ta vẽ chính là khoảnh khắc giải lao giữa giờ lao động.
Hứa Tuệ đã từng làm thanh niên trí thức hai năm, đó là khoảng thời gian khó khăn nhất của cô. Trước khi đi xuống nông thôn, cô có rất nhiều mường tượng bình dị về cảnh đồng quê, nhưng đến khi thật sự ở nông thôn rồi, lại chỉ cảm thấy khổ sở, chẳng giây phút nào là không muốn rời đi. Công việc đồng áng đối với cô quá cực nhọc. Cũng may sau đó tổ sản xuất đã để cho cô vẽ áp phích tuyên truyền lấy điểm công, nhờ vậy mà cô thoát được khỏi những tháng ngày lao động cực khổ. Thi thoảng khi vẽ cảnh người nông dân hăng say cần cù lao động trên áp phích tuyên truyền, Hứa Tuệ đều cảm thấy rất có lỗi với dân làng, bởi vì báo cáo kết quả công tác mà cô đã lảng tránh sự gian khổ của bọn họ. Trong mắt cô, lao động quả thực không có niềm vui gì đáng nói.
Nếu không nhờ tranh của Phương Mục Dương, Hứa Tuệ đã quên hẳn việc mình cũng từng có những lúc vui vẻ trong quãng thời gian lao động. Lúc vui vẻ nhất chính là lúc được nghỉ ngơi sau khi lao động, lao động càng vất vả, nghỉ ngơi lại càng vui, ngay cả khi chỉ ngồi uống nước ngắm mây cũng có cảm giác mây trời đẹp hơn thường ngày, bởi những giờ phút nhàn rỗi như thế quá hiếm. Ngày thường nhọc nhằn cơ cực, cuối năm tính điểm công chia hoa hồng lại hạnh phúc không tả xiết, sự cần cù cả năm trời cuối cùng cũng thành trái ngọt, cô rốt cuộc cũng đã kiếm được tiền bằng chính bàn tay của mình.
Chỉ khi chính bản thân Phương Mục Dương có được loại trải nghiệm này, mới có thể nắm giữ chính xác cái niềm vui ấy.
Hứa Tuệ nghĩ, Phương Mục Dương quả thực rất biết hưởng thụ, khi vừa nhàn rỗi vừa dư dả tiền nong hưởng thụ không khó, nhưng khi lao động khổ cực mà vẫn có ý thức hưởng thụ thì lại cực kỳ hiếm gặp. Trước kia Hứa Tuệ luôn muốn rời xa nông thôn, rời xa đội tuyên truyền, muốn được vẽ theo ý thích. Còn Phương Mục Dương thì không cần phải rời xa thứ gì cũng có thể vẽ những gì mình muốn vẽ, cậu ta có thể hưởng thụ vào bất cứ lúc nào, ở bất cứ nơi đâu.
Hứa Tuệ nói với Phương Mục Dương: “Cậu có bằng lòng đổi bức tranh này với tôi không?”
Trong số tất cả những bức tranh hiện tại của Phương Mục Dương, chỉ có bức tranh này là thích hợp để tham gia triển lãm mỹ thuật nhất, những bức tranh khác đẹp thì có đẹp, nhưng lại không phù hợp với thẩm mỹ đương thời. Nếu Phương Mục Dương dự định mang bức tranh này đi tham dự triển lãm mỹ thuật, cậu ta nhất định sẽ không cho cô.
Phương Mục Dương do dự vài giây, cuối cùng vẫn đồng ý.
Hứa Tuệ thu hoạch được khá nhiều, sung sướng mãn nguyện rời đi. Tiễn Hứa Tuệ đi rồi, Phương Mục Dương cùng Phí Nghê chiêm ngưỡng tác phẩm của chính mình khi còn bé.
Phí Nghê nhìn ngắm bản thân trong tranh, hỏi Phương Mục Dương: “Sao hồi ấy anh lại vẽ tấm này thế? Theo như em nhớ thì anh đâu nhìn em nhiều lắm.” Cô rất thích bức tranh này, nếu như không quan sát cô đủ nhiều thì chắc chắn không vẽ nổi. Nhưng nếu Phương Mục Dương vẫn luôn quan sát cô, sao cô lại không hề phát hiện ra nhỉ?
“Đừng nói là ngày xưa, ngay cả mấy ngày trước thôi, trong lúc em sửa bản thảo cho cha thì anh vẫn luôn nhìn em từ đằng sau, em thực sự không biết à?”
Càng đừng nói tới cái hồi cô cầm vỉ đi đập ruồi, trong mắt cô chỉ có ruồi, sao mà chứa nổi anh chứ?
“Thế sao anh lại vẽ em?” Cô cũng lờ mờ đoán được, nhưng cô muốn nghe Phương Mục Dương chính miệng nói.
“Bởi vì em thú vị, anh không kiềm chế được nên cứ suốt ngày dán mắt vào em.” Thật ra Phí Nghê là người nhìn anh trước, mới đầu anh còn tưởng Phí Nghê là gián điệp giáo viên phái tới, cứ tan học là lại nhìn anh chằm chằm. Mãi sau đó anh mới biết Phí Nghê đang quan sát xem anh đập ruồi như thế nào để học đi đôi với hành, bởi vì anh luôn bắt được rất nhiều ruồi. Song bản thân Phương Mục Dương thì lại không đi đập ruồi, anh chỉ đơn giản bỏ mồi vào chai rồi chờ ruồi tự sa lưới. Nếu không phải vì Phí Nghê vẫn luôn chăm chăm nhìn anh, anh còn không biết cái cô bé thoạt nhìn thông minh này lại ngốc đến đáng yêu như vậy, ngày nào cũng nỗ lực đi đập ruồi, kết quả là một con ruồi cũng không đập nổi.
“Hồi đó chắc anh vẽ không ít người phải không?”
“Em chính là người anh vẽ đẹp nhất.” Khi Phí Nghê xuất hiện trên giấy vẽ, Phương Mục Dương mới ý thức được cô gái nhỏ này xinh xắn đến cỡ nào. Trong mắt Phương Mục Dương khi ấy chỉ có hai loại người, người anh muốn vẽ và người anh không muốn vẽ, không phân biệt giới tính, cũng chẳng cần biết xấu đẹp ra sao. Nếu đã có muốn tìm hiểu nghiên cứu, anh không chỉ muốn nhìn nhiều hơn mà còn muốn vẽ lên giấy, không có giấy thì anh sẽ vẽ vào chỗ trống trên sách giáo khoa, thậm chí không giấy không bút, anh vẫn có thể phác họa trong đầu. Còn đã không có muốn tìm hiểu nghiên cứu, cho dù ngoại hình có đẹp đến đâu thì cùng lắm anh cũng chỉ ngó thêm một cái mà thôi, còn lâu mới vẽ, không phải vì màu vẽ và giấy vẽ có hạn, mà là bởi vì thiếu mất sự nhiệt tình. Người thiếu kiên nhẫn như anh cần sự nhiệt tình cực lớn thì mới có thể làm một việc gì đó liên tục mấy tiếng đồng hồ, nếu đã không có nhiệt tình, căn bản là làm không được.
“Anh chỉ biết nịnh em thôi.”
“Sao em lại không tin anh thế?” Phương Mục Dương kiên nhẫn dùng ngón tay chải tóc giúp Phí Nghê. “Cho dù em không tin anh thì cũng phải tin vào chính mình chứ, em đã thấy ai nhìn còn xinh đẹp hơn em chưa?”
“Lại nói nhảm rồi.” Phí Nghê lấy đầu ngón tay chọc chọc trán Phương Mục Dương. “Có phải những lúc em đi làm anh đều ra ngoài vẽ tranh không?” Bức tranh ban nãy Hứa Tuệ muốn lấy đi, xem thời gian vẽ tranh thì có thể thấy Phương Mục Dương đã vẽ lúc đang ôn thi đại học.
Phương Mục Dương hôn lên mắt Phí Nghê: “Em quả là có đôi mắt tinh tường.” Trước khi thi, anh chăm sóc Phí Nghê mấy ngày, mỗi khi nhắc tới chuyện ấy Phí Nghê lại rất xấu hổ. Nếu anh thi trượt, có khi cô sẽ cảm thấy bệnh của cô làm hại anh. Chi bằng cứ để cho cô nghĩ là anh không ôn tập nghiêm chỉnh. Cho dù có thi không đỗ, cũng chẳng liên quan gì tới bệnh tật của cô cả.
“Cả ngày anh đi vẽ tranh bên ngoài, đến lúc em sắp tan làm mới ngồi vào bàn dỗ em sao?”
“Anh đâu có dỗ em.”
Phương Mục Dương cũng chưa từng nói ban ngày anh ở nhà học bài, chỉ là khi đi làm về Phí Nghê luôn thấy anh ngồi bên bàn học nên tự cảm thấy như thế.
Phí Nghê không so đo chuyện cũ với Phương Mục Dương nữa, dù sao anh cũng chỉ đi vẽ tranh chứ không phải làm gì khác.
“Em thấy khả năng đỗ của anh lần này không cao đâu.” Vì để tâm tới lòng tự trọng của Phương Mục Dương nên Phí Nghê rất cân nhắc cách dùng từ. “Nhân lúc em vẫn còn nhớ được đề thi đại học, để em viết lại cho anh, anh làm lại lần nữa đi, em xem anh yếu chỗ nào thì sẽ giúp anh ôn tập phần đó.”
Phí Nghê chủ động hôn lên má Phương Mục Dương một cái: “Em đi viết luôn giờ đây, bằng không lát lại quên mất.”
Phí Nghê sáng vừa thi xong, chiều đã ngồi vào bàn học chăm chỉ viết bài.
Phương Mục Dương thấy xót, chủ động nhắc tới lời hứa lúc trước với Phí Nghê: “Em có còn nhớ không? Em nói thi xong rồi anh bảo em làm gì thì em sẽ làm cái đấy.”
“Đợi đến buổi tối được không?” Phí Nghê nhỏ giọng nói với Phương Mục Dương. “Tối em sẽ nghe anh hết, anh muốn nói sao cũng được.”
Phương Mục Dương đứng sau lưng Phí Nghê, bóp vai cho cô: “Anh chỉ muốn em nghỉ ngơi chút thôi.”
Mặt Phí Nghê thoáng đỏ lên, trong lòng không khỏi nghi ngờ có phải cô thực sự ham thích chuyện kia hay không, bởi vì cứ mỗi lần Phương Mục Dương đưa ra yêu cầu với cô là cô lại nghĩ tới cái chuyện ấy, mặc dù chưa chắc Phương Mục Dương đã có ý tưởng tương tự.
Lực tay của Phương Mục Dương rất vừa phải, sự căng thẳng của Phí Nghê được giải tỏa, cả người mềm nhũn, gần như mất đi ý chí.
Cô vẫn còn đang muốn nhân lúc còn nhớ rõ mà viết lại đề thi một lần, cho nên không còn cách nào khác ngoài đuổi Phương Mục Dương đi: “Không phải anh đang định rửa ảnh à?”
Phương Mục Dương pha trà cho Phí Nghê, sau đó tạm thời thiết lập một căn phòng tối để rửa chỗ ảnh đã chụp. Rửa ảnh chỉ là thứ yếu, anh chủ yếu tranh thủ lúc này để nhớ lại bài thi mình đã làm. Trước khi thi anh nước đến chân mới nhảy nhưng cũng ôn được không ít, trong khi thi cũng phát huy tác dụng, song đống kiến thức đó không thể lưu lại trong trí nhớ của anh lâu. Giờ Phí Nghê kiểm tra anh, chỉ sợ mấy câu hỏi trong phòng thi anh cũng quên sạch mất rồi. Nếu anh không nhớ ra nổi, thứ đợi chờ anh phía trước chính là chuỗi ngày học bù dài đằng đẵng.
Phí Nghê dựa vào ký ức để viết lại đề thi đại học một lần. Phương Mục Dương vốn định nhân lúc còn nhớ mang máng để làm lại đề, không ngờ Phí Nghê lại nổi lòng từ bi, cho anh nghỉ ngơi hai ngày rồi mới làm sau, lý do là khoảng thời gian này anh đã quá vất vả, không chỉ vừa vẽ tranh vừa ôn tập mà còn phải chăm sóc cho một người bệnh là cô.
Song Phương Mục Dương vẫn khăng khăng muốn làm bài luôn, ngay cả trên đường bọn họ đi xem phim Phương Mục Dương cũng làm bài. Phí Nghê nói đề, anh nhanh chóng trả lời đáp án.
Dưới bầu trời đêm xanh thẳm, Phí Nghê ngồi sau xe đạp, cả khuôn mặt bị khăn quàng cổ vây kín, chỉ hở ra mỗi đôi mắt.
Đôi mắt của cô đong đầy ý cười, thành tích của Phương Mục Dương cũng không đến nỗi bết bát như cô nghĩ, đúng là chuyện tốt.