Skip to main content
Generic selectors
Exact matches only
Search in title
Search in content
Post Type Selectors

Chương 20

10:57 sáng – 21/07/2024

Trung đang đứng trước một bãi đất trống rộng thênh thang, xung quanh là những tòa nhà xưởng xuống cấp trông như sắp sụp đến nơi. Đây sẽ là nơi anh làm việc thời gian tới. Sau khi anh gặp ông Huấn, lệnh điều động đến rất nhanh. Trung lầu bầu không phải ông ý muốn đuổi anh đi nhanh thế chứ.

Bên cạnh Trung là hai người. Một bác già già, người nhỏ thó với khuôn mặt nhăn nheo khắc khổ. Bác là bác Toán, phụ trách công đoàn giờ được tạm đôn lên làm bí thư của xí nghiệp. Người còn lại cao tầm Trung, khung người vạm vỡ như lực sĩ. Đó là Hải, đội trưởng đội sửa chữa máy móc.

Trung vừa rồi đã đi một vòng quanh xí nghiệp, tình hình phải nói là bi đát hơn cả anh tưởng. Xí nghiệp trên danh nghĩa có 112 nhân viên nhưng hiện ở trong xí nghiệp còn có 5 người. Những người còn lại một là nghỉ không lương, 2 là tự ý bỏ việc đi tìm việc làm. Vì có việc đâu,có lương đâu mà ở lại. Ai cũng cần nuôi vợ con.

Trung cứ vậy đảo qua xí nghiệp vài vòng. Ở đây thừa đất thì phải, đi một vòng như đi quanh sân vận động. Anh đi bộ lang thang quanh đó, ngắm nghĩa mọi thứ. Nơi đây nói quê thì cũng không quê lắm, vì cách trung tâm thành phố chỉ tầm 20km. Gần xí nghiệp còn có một thị trấn. Trung ngẫm nghĩ, phác thảo bản đồ mọi thứ ra trong đầu. Những gì được học, những kế hoạch mọi khi anh hay viết trên giấy dường như đang in nhập vào cái kế hoạch anh đang mường tượng ra. Trung chợt nhớ tới câu nói của ông Huấn khi trao quyết định đuổi anh về đây: “ miếng xương của người khác nhưng có thể vẫn là miếng thịt với mình”.

Anh đi chán, đến khi trưa trờ trưa trật mới về xí nghiệp. Anh ngạc nhiên thấy mọi người đang tụ lại một chỗ mà chưa đi ăn.

– Mọi người chưa đi ăn à.
– Mọi người đợi cậu đấy, giám đốc trẻ. Đi đâu mà mãi không về, bọn tôi tưởng cậu sợ quá chạy luôn về thành phố rồi. Một chị hình như là kế toán lên tiếng.
– Em xin lỗi, cháu xin lỗi mọi người. Cháu mới tới nên đi lung tung một tí. Ở đây có quán nào không, cháu mời mọi người ăn.
– Ăn uống gì, quán xá vừa đắt vừa không vệ sinh. Chúng tôi nấu cơm thường thôi, giám đốc có ăn không. Bác Toán lên tiếng.
– Có cơm là tốt lắm rồi. Cho cháu xin cái bát.

Cơm nước cũng có vài món: thịt rang, đậu luộc…nhưng Trung ăn vẫn ngon lành. Cuộc sống kham khổ từ bé, rồi những ngày sinh viên như in sâu trong anh, dù sau này ở với Mai có khác nhưng anh vẫn vậy. Mấy người còn lại mắt tròn mắt dẹt nhìn anh ăn như không tin được. Chị Ngà kế toán mở mồm trước, đàn bà thường hay bộp chộp hơn đàn ông.

– Em ở đây chắc một thời gian thôi nhỉ, bao giờ thì có thuyên chuyển.
– Là sao chị, em vừa chuyển về mà.
– Chị tưởng em giống người khác, ở một thời gian xong lại đi, điều lên vị trí tốt hơn. Chứ chỗ này chỉ là chỗ đệm.
– Em thì khác, em bị đầy về đây.
– Thật à, em làm gì đắc tội ai mà bị về đây.
– Có làm gì ai đâu chị, sếp bảo em về xem có cứu được xí nghiệp không.
– Em nói thật hay đùa thế, cái xí nghiệp này đợi ngày giải thể, bán xác cho tư nhân thôi. Miếng đất to thế này cũng khối người nhòm ngó.
– Em thấy xí nghiệp mình cũng có nhiều khả năng kinh doanh, sao không làm mà để không đấy.
– Kinh doanh gì em. Xí nghiệp trước chủ yếu sửa chữa máy công nghiệp, cơ điện. Một thời cũng đông đúc đấy. Nhưng giờ chả như trước nữa. Nhà xưởng thì rách nát, máy móc cũng hoen gỉ. Mọi người đi dần ra ngoài kiếm cơm hết.
– Thế mọi người thì sao, sao mọi người vẫn ở đây.
– Thì không đi được, hay có vấn đề mới trụ ở đây chứ. Như bác Toàn hàng tháng vẫn được lãnh lương để quản lý, báo cáo mọi việc nơi đây. Cậu Hải thì có mối sửa chữa quạt cháy máy bơm nên lấy đây làm bản doanh. Chị thì bên trên vẫn phải trả lương cho kế toán tồn tại, với cả ở đây nhàn, gần nhà. Chị ngày ngày rẽ qua nhà nấu ăn đi chợ chăm con, ngày đảo qua đây tán chuyện với mấy lão này thôi. Hôm nay em là giám đốc tới chị mới ở đây lâu thế. Chị vừa nói vừa cười phớ lớ.
– Tôi thì sắp tới tuổi hưu. Chả mong được trả lương nữa, nhưng chế độ hưu thì chắc được nên tôi trụ lại. Còn đây là thằng Kiên, nó được nhét vào rồi sẽ được đẩy đi chỗ khác. Mà đang trục trặc nên nửa năm nay nó vẫn ở đây. Bác Vinh già bảo vệ cả khu xí nghiệp to lớn lên tiếng.
– Nơi đây có mặt lưng tiếp giáp đường lớn. Cháu thấy xe cộ nườm nượp. Sao chúng ta không sửa chữa làm nơi cho thuê mặt tiền. Rồi mặt bằng rộng thế chúng ta có thể sửa làm kho cho thuê, cho chỗ đậu xe.
– Cơ chế, cơ chế cháu ơi. Để không thì không ai để ý, nhưng đập phá cái là đến tai người khác ngay. Rồi có đoàn kiểm tra về. Cách đây 1 năm ông giám đốc cũ bị bắt vì cho một công ty thuê làm kho chứa hàng đấy.
– Cháu tưởng ông ý bị bắt vì biển thủ công quỹ.
– Thì đấy. Tiền kiếm được ông ý cũng phải ăn chứ. Chẳng qua cái công ty thuê kho sau này bị bắt vì chứa hàng lậu. Công an khám xét ghê lắm. Rồi lòi ra ông giám đốc đợt trước xin kinh phí sửa chữa kho. Ông có sửa đâu, kho thì ông cho thuê nhưng bắt bên kia tự sửa. Còn tiền thì ông ăn luôn một cục. Giờ cháu mà làm thì chú sợ khó. Tất nhiên nếu cháu có người đỡ đằng sau thì khác.

Trung trầm ngâm. Anh đi ra góc xa gọi điện cho ông Huấn. Chuông reo chưa lâu thì ông nghe máy.

– Alo.
– Chú ơi, chú cho cháu về đi. Không ở chỗ này được đâu.
– Cậu nói đùa tôi đấy à. Quyết định cậu nhận rồi. Chịu khó làm giám đốc cho tốt vào.
– Muốn làm tốt thì cũng phải có khả năng, có điều kiện. Cháu chả có gì từ vốn đến vật liệu sản xuất, rồi chế độ ưu đãi.
– Ý cậu là gì
– Cháu muốn phá rào, phá tung cái xí nghiệp này cho thuê để lấy vốn đã. Có vốn mới vực dậy được doanh nghiệp. Chứ xí nghiệp như cái xác không. Cháu giờ chỉ có cách cho nó làm đ… bán thân kiếm vốn.
– Nói năng hay nhỉ, liệu liệu cái mồm. Cái cậu nghĩ cũng không phải không được. Nhưng nếu không có giấy tờ hợp pháp, sau này cậu sẽ bị đánh úp lúc nào không hay.
– Cái này chú yên tâm. Cho ai thuê cháu cũng bắt lăn tay là được chứ gì.
– Cậu tự làm đi. Tôi vứt cậu về không cho cậu ăn nhưng cũng không khóa chân tay cậu. Làm cho tốt vào, tôi sẽ xuống kiểm tra.

Trung tắt máy, thầm rủa ông Huấn tái phát bệnh khớp cho khỏi xuống. Cái lần trước ông thanh kiểm tra phòng anh, cả phòng nháo nhào cả lên mấy tuần không yên. Trung quay lại thì cơm đã dọn, mọi người đang xỉa răng uống trà. Hải đang ngồi sửa cái quạt cây gần đó.

– Mọi người, chúng ta bàn việc tiếp. Cháu vừa gọi điện xin phép cấp trên. Chúng ta được phép cho thuê nhà xưởng kiếm vốn. Mọi người cho ý kiến hộ cháu.
– THế là sao, thật à. Thế thì cái chỗ này nhiều thứ ra tiền lắm. Tôi biết mấy công ty đang muốn thuê kho mà chưa kiếm được chỗ rộng. Nhưng mà chỗ mình có mỗi 1 kho được sửa lần trước. Giờ muốn sửa kho nữa cần tiền.

Bác Toàn nói xong nhìn qua chị Ngà.

– Chú nhìn gì cháu. Mỗi lần đến kỳ phát lương chú chả đèo cháu đi lấy lương mọi người à. Làm gì có xu nào trong két.

Mấy người lại nhao nhao lên cãi vã. Người nghĩ thế này kẻ phản đối. Trung giơ tay bảo mọi người yên lặng để anh phát biểu.

– Không cần, cháu tính thế này mọi người xem được không. Giờ mọi người giúp cháu làm cái biển hay thông báo cho thuê kho. Cái kho có sẵn không nói làm gì. Nhưng những kho khác thì nếu ai thuê sẽ được miễn tiền thuê bù vào đúng tiền họ bỏ ra để sửa kho. Cũng không đáng là mấy, chúng ta sẽ nhanh thu được tiền lại. Rồi chúng ta sẽ thu tiền trông kho. Ai có người trông thì không nói, ai không có thì trả tiền để chúng ta trông.
– Nhưng có sợ lại giống lần trước, họ chứa hàng lậu không.
– Cái này khi ký hợp đồng phải nói đàng hoàng, ghi trong hợp đồng. Chúng ta làm chặt để về lý không ai bắt bẻ được. Ngoài ra chúng ta ở đây cũng phải giám sát chứ. Họ đem ma túy về chứa có mà toi.
– Đúng, phải làm như thế. Nhưng sao quản lý hết được.
– Thế thì hên xui thôi. Quan trọng là ưu tiên cho thuê những công ty chúng ta biết về họ rồi. Công ty nào nhập hàng khuất tất thì phải để ý, nếu thấy có dấu hiệu thì yêu cầu kiểm tra,hủy hợp đồng.
– Vậy có lẽ sẽ gọi được thêm vài người về nữa. Bác Toàn nhẩm tính.
– Sao lại vài người, sẽ gọi tất cả về.
– Vậy việc đâu cho mọi người làm bây giờ. Hải thắc mắc hỏi.
– Thế này, tất cả máy móc sẽ tạm chuyển vào sâu bên trong. Ta sẽ phá các bức tường đi, chia ra thành các kiot cho ai có nhu cầu thuê lại. Đằng đó là mặt đường, sẽ sớm muộn được thuê hết. Chúng ta sẽ lấy tiền đó xoay vòng đem đi phát triển sản xuất.
– Chúng ta sản xuất gì bây giờ hả giám đốc. Kiên, cậu trai trẻ nhất tò mò hỏi.
– Tôi dự định thế này, sắp tới mùa hè rồi, nhu cầu quạt điện khá cao trong khi thị trường thì đang khát. Quạt trong nước không đáp ứng được nên phải nhập quạt tàu quạt Thái. Tôi có biết một doanh nghiệp sản xuất mô tơ quạt trong nam. Chúng ta có thể đặt hàng motor của họ, thuê đơn vị sản xuất cánh quạt, hộp số các thứ khác. Ban đầu là thế, nếu có thể phát triển thì tự ta sẽ sản xuất motor, cái này tôi nghĩ không khó với khả năng của chúng ta nếu có đủ máy móc.
– Sao chúng ta không nhập motor tàu. Sẽ rẻ hơn và nhanh hơn.
– Không, cái gì cũng nhập thì trong nước sẽ sản xuất cái gì nữa. Giờ nhu cầu vẫn cao về quạt, giá thành hơn kém chút cũng không phải vấn đề. Tôi đã từng làm kế hoạch và có nghiên cứu qua công ty cơ điện kia, họ làm rất có tâm. Chúng ta cần là chất lượng để khẳng định tên tuổi. Ban đầu lấy lãi ít, thậm chí lấy công làm lãi.
– Nghe được đấy giám đốc ạ. Nhưng có kịp không, còn gần 2 tháng nữa thôi.
– Vẫn đủ thời gian nếu chúng ta bắt tay ngay và luôn. Tiền nếu thiếu chúng ta sẽ đi vay. Vấn đề là nhân lực và quy mô ban đầu.
– Giám đốc. Cho tôi xin phát biểu. Hải giơ tay lên.
– Anh Hải nói đi, từ nãy tôi không thấy anh nói mấy.

Hải trầm ngâm, anh nghĩ ngợi thật kỹ rồi mới nói.

– Cơ điện chính là một mảng từ trước của xí nghiệp ta. Thậm chí máy móc giờ vẫn có thể hoạt động. Tôi trước chính là phó bộ phận cơ điện. Trước đây công ty chúng ta vẫn làm ăn tốt thì vẫn có liên hệ với các xí nghiệp cơ điện khác. Tôi giờ đi sửa quạt nên vẫn qua lại với vài bên mua phụ tùng. Tôi nghĩ chúng ta có thể mua một phần, còn lại tự làm quạt được.
– Anh có thể nói rõ hơn không.

Trung nghiêm túc nhìn Hải. Nếu đây là sự thật thì tính khả thi của vấn đề sẽ rõ ràng hơn.

– Với những máy móc còn lại trong xưởng, chúng ta có thể gần như tự cuốn motor được. Còn đâu tụ điện, hộp số, bảng điều khiển mấy cái khác chúng ta có thể đặt bên ngoài. Tôi biết những chỗ làm ăn hẳn hỏi, nghiêm chỉnh.
– Chất lượng anh tính ra sao.
– Tôi làm quạt lâu năm, tôi đảm bảo không thua kém về chất lượng.
– Vậy bây giờ chúng ta sẽ làm thử một cái quạt rồi tính ra chi phí, liệu xem giá cả có cạnh tranh được không.
– Đồng ý. Mọi người đồng thanh nói.

Một cánh tay lại giơ lên. Đó là Kiên, cậu trai trẻ nhất và hơi nhút nhát.

– Kiên có ý kiến gì hả em.
– Vâng…em…em muốn nói về phần nhựa. Phần nhựa thì sao anh.
– Phần đó chắc chúng ta cũng thuê thôi. Chúng ta không có điều kiện và sau này chắc cũng không tự sản xuất phần đó.
– Nhà em…có một xưởng nhựa nhỏ. Chỉ là nó dạo này hơi khó khăn. Nhưng em đảm bảo làm được phần nhựa cho quạt. Em có thể ứng cứ cho nhà em không. Em đảm bảo bố em sẽ lấy giá ưu đãi nhất, thậm chí là không cần lãi. Giờ nhà em chỉ cần có hợp đồng để duy trì nuôi công nhân và duy trì công ty thôi.
– Thế thì không có gì tốt hơn. Em đợi anh Hải phác thảo ra các chỉ số rồi em về đưa bố em. Nếu được chúng ta cần nguyên mẫu và giá cả thật chính xác. Có như vậy thì mới biết tính khả thi của việc này.

Mọi người sau đó lập tức chia nhau ra làm. Bác Toàn vội vã đi liên hệ tìm người thuê kho. Bác Vinh già thì liên hệ với chủ thầu xây dựng gần đó là cháu họ bác. Bác bảo sẽ nhờ nó đập phá xây trát lại đẹp mê ly. Tiền không cần lo, cháu bác, bác đứng ra bảo lãnh nợ được.

Hải đi gọi thêm hai người nữa cũng là công nhân của xí nghiệp nay đang đói vêu mồm ở nhà trông con. Cả ba hì hục vận hành máy móc, thử cuộn motor từ các vật liệu còn tồn trong kho. Trung thức cả đêm hôm đó cùng xem mọi người làm. Đến gần sáng thì cái motor sau bao lần thử nghiệm, phải làm đến cái thứ 5 Hải mới thấy tạm mỹ mãn.

Tụ điện, bảng điều khiển, dây nguồn… chị Ngà đã mua về theo yêu cầu. Chưa có đồ nhựa, mọi người phải dựng tạm trên khung của một cái quạt Trung mới mua về. Quạt chạy ro ro êm và không lỗi, đến 2 tiếng vẫn vậy. Nhưng Hải vẫn chưa hài lòng. Anh và bạn lại tháo ra chỉnh sửa lại. Trung không thấy sự khác biệt giữa trước và sau khi sửa, nhưng Hải là dân trong nghề nên chắc biết rõ hơn anh.

Vậy là khâu đầu tiên của sản phẩm là đã hoàn thành. Chị Ngà bắt đầu dựa theo giá cả chị thăm dò về vật liệu để tính toán, kết hợp với giá bố Kiên báo lại. Quạt chỉ chiếm 30% giá đang bán ra trên thị trường. Nếu có thể sản xuất quy mô lớn thì có thể còn giảm tiếp, tất nhiên là chưa tính chi phí điện, công thợ….

error: Content is protected !!