Phí Nghê không ngủ được, nửa đêm lại dậy mở cái hòm kia ra xem.
Chiếc hòm này chứa đầy đĩa nhạc và sách ảnh, tất cả đều là những thứ mà cô không hề cần đến.
Phí Nghê học tiểu học năm cuối đúng vào lúc cả nước bắt đầu đình chỉ hết các lớp học(1). Gia đình Phương Mục Dương cũng chẳng được yên bình. Phí Nghê láng máng nghe nói, cha mẹ cậu ta đều bị điều tra, tiền lương đóng băng, nhà ở cũng bị phân cho người khác. Bản thân Phương Mục Dương sống trong một căn nhà trệt nhỏ, bữa đói bữa no. Anh cả chị hai ngồi xe lửa miễn phí tới những nơi khác, Phí Nghê cũng muốn đi, nhưng cha mẹ sợ cô ở bên ngoài xảy ra chuyện cho nên đều không đồng ý. Vậy là ban ngày khi cha mẹ đến xưởng làm, Phí Nghê ở nhà một mình.
(1) Năm 1966 khi Cách mạng Văn hóa bùng nổ, các lớp học tạm bị đình chỉ để cải cách hệ thống giáo dục. Đây cũng là thời kỳ hàng triệu người bị cáo buộc là “phần tử tư sản xâm nhập vào Chính phủ và xã hội” nhằm “khôi phục chủ nghĩa tư bản”, bị tịch thu tài sản, điều tra và buộc lao động khổ sai, cầm tù, tra tấn, hoặc thậm chí là xử tử.
Phí Nghê không ra ngoài chơi, cô chỉ ở nhà dán hộp giấy. Ban đầu cô dán hộp đựng điểm tâm, phải là điểm tâm cao cấp thì mới được dùng loại hộp này, thông thường một tập giấy sẽ cần một bó dây thừng. Thỉnh thoảng cô cũng ra bãi phế liệu mua đồ. Số lượng sách có thể đọc được trong thư viện bấy giờ chẳng còn bao nhiêu, bãi phế liệu nghiễm nhiên trở thành “thư viện” mới trong mắt cô. Những tác phẩm hủ bại của xã hội cũ và mầm mống độc hại của chủ nghĩa tư bản nước ngoài đều bị quăng hết ra bãi phế liệu, giá còn rẻ mạt hơn cả báo cũ vứt đi. Nhưng tìm được sách ở bãi phế liệu cũng không dễ, cô phải làm bộ chẳng hứng thú gì với những thứ mình đang kiếm, có đôi khi mua năm cân giấy vụn mới có thể tìm được một quyển sách hay để đọc.
Từ khi nghỉ học, cô đã không còn thấy Phương Mục Dương đâu nữa, thật không ngờ ra bãi phế liệu mà lại gặp được cậu ta. Bọn con trai tầm tuổi này chỉ một tháng không gặp mặt là đã cao vống lên rồi. Phí Nghê phát hiện Phương Mục Dương cũng cao hơn trước, gầy guộc mà rắn chắc hơn. Nhà bọn họ đã mất, nhưng xe đạp của cậu ta vẫn còn, cô không biết cậu ta làm thế nào để bảo vệ chiếc xe của mình trong cuộc chiến khốc liệt ấy, nhưng quả thật là cậu ta đã làm được. Phương Mục Dương đứng trong bóng tối, thoải mái phô bày vết thương nơi khóe miệng, mỉm cười với Phí Nghê. Phí Nghê có hơi sợ nụ cười này. Cô sợ Phương Mục Dương sẽ vay tiền mình. Cô biết, nếu như lần này cô cho Phương Mục Dương vay tiền, cậu ta chẳng những không thể trả cô gấp đôi mà có khi đến một xu cũng chẳng đưa lại cho cô nữa.
Phí Nghê hỏi Phương Mục Dương tới bãi phế liệu làm gì, Phương Mục Dương nói cửa sổ ở nhà không có kính, cậu ta muốn mua giấy về để dán. Cậu ta còn hỏi ông cụ nhặt phế liệu xem có tranh ảnh cũ nào không, hoặc là sách tranh cũng được, mang về dán lên cửa sổ cũng không tới mức quá khó coi.
Phí Nghê tìm sách ở bãi phế liệu, càng tìm càng thấy vô vọng. Cô đoán Phương Mục Dương sẽ không ngoan ngoãn đi vào khuôn khổ, cho dù nhà đã không còn nhưng gia đình cậu ta có nhiều sách vở như thế, cậu ta không thể nào đến một quyển cũng chẳng giữ được. Cô khẽ nói thầm với Phương Mục Dương, bảo mình có thể giúp cậu ta xử lý một ít sách cũ, trong lời nói còn ám chỉ rằng gia đình mình là công nhân mầm đỏ(2), sẽ không có ai đến nhà kiểm tra. Đời sống tinh thần của Phí Nghê giờ đây nghèo nàn hết mức, đâm ra bí quá hóa liều. Cô đã tính kỹ trong đầu sao cho vẹn cả đôi đường, nếu như Phương Mục Dương tố cáo cô, cô sẽ nói mình chỉ đang dụ rắn ra khỏi hang chứ không hề muốn xem loại sách đó. Còn nếu Phương Mục Dương sẵn sàng chia sẻ sách quý với cô, cô sẽ cho cậu ta toàn bộ tiền công dán hộp của mình, để cậu ta ăn uống cho đàng hoàng. Phương Mục Dương bây giờ, nhìn là đủ biết ngày nào cũng phải chịu đói.
(2) Mầm đỏ (miêu hồng): Một thuật ngữ phổ biến trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa, chỉ những người sinh ra trong thời kỳ mới và trưởng thành dưới lá cờ đỏ, không bị ảnh hưởng bởi tư tưởng cũ.
Phương Mục Dương không tố cáo Phí Nghê. Ngày hôm sau, trời còn chưa sáng, cậu ta đã theo lời hẹn mà đứng chờ dưới nhà cô, giao cho cô một cái hòm. Phí Nghê đưa hai tệ và năm hào mình tiết kiệm được cho cậu ta, song Phương Mục Dương không nhận, chỉ bảo Phí Nghê bảo quản hòm cho cẩn thận, tuyệt đối không được giao cho người khác. Thế nhưng Phí Nghê vẫn nhất quyết dúi tiền vào tay cậu ta.
Hòm nhận được lúc gần sáng, nhưng Phí Nghê vẫn đợi cha mẹ đi làm hết rồi mới lén lút mở ra. Cô đau khổ nhận ra mình đã tốn tiền vô ích. Trong cái hòm này chẳng có thứ gì cô muốn. Tất cả đều là đĩa nhạc, ngay cả sách cũng chỉ toàn sách ảnh. Đĩa nhạc thì cô căn bản không thể nghe trước mặt người khác, còn sách ảnh thì… Có một quyển mà cả nam lẫn nữ bên trong đều chẳng ai có lấy một manh áo che thân. Phí Nghê đương nhiên biết đây là nghệ thuật, nhưng điều đó không có nghĩa là cô không thấy xấu hổ.
Cái hòm này cô vẫn luôn khóa chặt, đợi Phương Mục Dương quay lại lấy về. Cô thật sự không ngờ nó lại ở nhà mình lâu tới vậy.
Mưa dai dẳng suốt cả đêm, hôm sau là một ngày nắng.
Bữa sáng hôm nay là cháo trắng và màn thầu, còn có một đĩa đậu đũa muối chua nhỏ. Thịt ngâm nước sốt hôm qua vẫn còn. Mẹ Phí bẻ màn thầu, gắp hai miếng thịt cho Phí Nghê, bảo cô đừng húp cháo suông.
Phí Nghê đi rồi, cha Phí lại nhắc tới chuyện ngày hôm qua: “Chiều qua Tiểu Phương đi xa thế đến nhà ta, chúng ta lại để người ta về mất, chẳng giữ lại ăn cơm tối, tôi vẫn cứ thấy không ổn cho lắm.”
“Giữ thế nào được? Giữ rồi thì Diệp Phong lại nghĩ nhiều. Hơn nữa Tiểu Phương còn đang ngơ ngơ, không biết cái gì nên nói cái gì không nên nói. Con gái chúng ta tới bệnh viện chăm sóc cậu ta nhiều ngày như thế, người hiểu chuyện sẽ cho rằng con bé biết làm việc nghĩa, nhưng người không hiểu lại bảo nó với Tiểu Phương có vấn đề gì cũng nên.”
“Có vấn đề gì là vấn đề gì? Chẳng qua là hồi tiểu học học cùng một lớp, hai đứa trẻ nít, có thể có vấn đề gì được chứ? Chẳng nhẽ con bé út nhà chúng ta lại không thể làm người tốt việc tốt được ư?”
“Trước kia không có việc gì, nhưng hiện tại có lẽ chăm sóc lâu ngày cũng nảy sinh chút tình cảm. Cái cậu Tiểu Phương ấy, giờ đã quên hết cả cha mẹ rồi, lại thân thiết với con gái chúng ta như vậy, còn biết nhà ta ở đâu, nếu như ngày nào cũng đến thì phải làm sao bây giờ? Chẳng nhẽ chúng ta trực tiếp đuổi người được sao? Nếu chẳng may truyền ra ngoài thì làm gì có ai không nghĩ nhiều cơ chứ? Con gái chúng ta cũng đừng hòng kết hôn với người nào nữa. Dưa hấu hôm qua Phí Nghê mua vẫn còn chưa động đến, ông mang cho Tiểu Phương đi, mua thêm mấy quả đào vào. Quà cáp cậu ta mang tới giữ lại hai món thôi, coi như là nhận tấm lòng, còn sữa bột sữa mạch nha thì cứ mang trả lại đi, bảo cậu ta đừng sang nữa, cứ nói đây là ý của con gái chúng ta.”
“Lời đấy sao mà nói được?”
“Vì con gái của ông, không nói được cũng phải nói! Tôi thấy thằng bé Tiểu Phương này cũng chẳng phải người không hiểu lý lẽ, ông cứ nói cho rõ ràng, cậu ta chắc chắn không tới nữa đâu.”
Cha Phí xách sữa bột, sữa mạch nha và dưa hấu đến bệnh viện, lúc trở về những thứ này vẫn còn nguyên. Ngoài sữa và dưa hấu ra, ông còn mang về cả ô nhà mình cùng một chiếc đài cát sét có sẵn tai nghe đi kèm.
Bà bạn già quở trách: “Ông lấy tiền đâu ra mà mua đài?”
“Đài là Tiểu Phương đưa cho, nói là bán máy ảnh đi đổi về. Tôi đã bảo không cần rồi mà thằng nhóc cứ khăng khăng nói tôi cầm về cho Phí Nghê, đồ tôi đưa tới cậu ta cũng bảo tôi mang về hết.”
“Ông làm cái gì vậy hả? Người ta nói cầm là ông liền cầm luôn à!”
“Cậu ta bảo nếu tôi không lấy, cậu ta sẽ tự đưa đến nhà mình. Còn nếu như tôi lấy thì cậu ta sẽ không tới nhà mình nữa.”
Mẹ Phí thở dài một tiếng: “Ông đấy! Đã sống đến ngần này tuổi rồi mà chẳng biết nghĩ gì cả. Con gái của ông ngày ngày nghe cái đài cậu ta tặng cho, chuyện này còn có thể cứ kết thúc như thế ư?”
“Vậy làm thế nào bây giờ?”
“Ông cứ bảo cái đài này là ông mua đi.”
“Thế chẳng phải là ăn gian nói dối ư?”
“Bây giờ chúng ta đâu lo được nhiều như vậy. Đợi Phí Nghê kết hôn rồi, chúng ta lại tặng quà cho Tiểu Phương sau. Hiện tại tạm thời đừng có qua lại với cậu ta nữa.”
Phí Nghê trở về, trông thấy chiếc ô hôm qua cô vừa đưa Phương Mục Dương, không khỏi hỏi: “Phương Mục Dương đến nhà mình ạ?”
Mẹ Phí đá cha Phí một cái, cha Phí cười nói: “Cha tới viện thăm Tiểu Phương, tiện tay cầm ô về. Cậu ta ở viện có vẻ khá tốt đó, không khác với người bình thường là mấy. Lúc cha đến cậu ta còn đang vẽ tranh nữa cơ, vẽ y tá trong bệnh viện, thật sự í, vẽ y như người thật luôn. Cậu ta cũng có vẻ khá hòa hợp với các y tá trong viện đấy.”
“Thế ạ?” Phí Nghê cảm giác chuyện mình nói cứ như nước đổ lá khoai. Vẽ tranh liên hoàn còn có khả năng kiếm được công việc chính thức, vẽ nữ y tá thì liệu kiếm được gì chứ? Chỉ tổ hủy hoại hết danh tiếng tốt bản thân xây dựng được thôi.
“Ừ, còn có y tá vá áo hộ cậu ta nữa. Tiểu Phương là anh hùng cứu người, mặt mũi lại khôi ngô trắng trẻo, các cô y tá có thích cũng chẳng có gì là lạ. Cha thấy có khi cậu ta còn kiếm được vợ ở bệnh viện ấy chứ.”
“Y tá nào vá áo cho cậu ấy ạ?”
Cha Phí không ngờ Phí Nghê lại hỏi chuyện này, ngẩn người một chút rồi nói: “Cha cũng không rõ lắm. Áo cậu ta mặc bục chỉ, cái cô y tá vào cửa lúc đó bảo cậu ta thay áo khác, còn chiếc áo đấy cô ấy về nhà vá lại.” Cha Phí tự động lược bớt đoạn sau, Phương Mục Dương bảo không cần, cậu ta tự mình làm lấy cũng được.
Phí Nghê không tiếp lời. Cô trông thấy đài cát sét đặt trên chiếc tủ năm ngăn, liền hỏi: “Cha, cha mới mua đài ạ?”
“Ừ.” Chữ “ừ” này cha Phí nói rất nhanh. “Cha thấy nhiều nhà có đài cho nên cũng mua một cái.”
Cha Phí nói dối không mấy tự nhiên, mẹ Phí sợ ông lại làm lộ chuyện nên quay ra bảo con gái: “Chị gái con vừa cho con một tấm vải kẻ caro đấy, con lấy mà may áo đi. Mẹ thấy con gái bây giờ nhiều người mặc áo sơmi kẻ caro lắm, có phải trên phim có người mặc giống thế không nhỉ?”
“Chắc vậy ạ.”
“Chủ nhật này con và Diệp Phong có đi xem phim nữa không?”
Phí Nghê không đáp, lại tiếp tục hỏi cha mình: “Cha, cái đài này cha mua ở đâu thế?”
“Ngay cái cửa hàng ủy thác gần nhà chúng ta nhất ấy. Cha định mua cái mới cơ, nhưng mà lại không có phiếu.”
Ngày hôm sau Diệp Phong quay lại trả ô, còn mang theo một tấm vé nhạc kịch, hẹn Phí Nghê Chủ nhật này cùng đi xem “Sa gia binh”.
Vở kịch ấy Phí Nghê từng coi một lần, nhưng cô vẫn nhận tấm vé. Cô thích loại nhạc này hay không không quan trọng, quan trọng là cô thấy Diệp Phong khá tốt, có thể tiếp tục tiến tới.
Thứ Sáu tuần đó vô cùng nóng bức, Phí Nghê đi làm mà đổ mồ hôi đầy đầu. Sau khi tan làm, cô đi thẳng đến phòng tắm nữ, cũng may người xếp hàng không nhiều lắm.
Phòng tắm nữ ở xưởng có hai dãy vòi hoa sen, mỗi dãy mười lăm cái, giữa các vòi chẳng có gì ngăn cách, những người xung quanh thế nào đều có thể nhìn thấy rõ.
Trong phòng tắm, chẳng có thứ gì gọi là riêng tư.
Lúc đang tắm, Phí Nghê nghe được lão Triệu tằng tịu bên ngoài nên bị điều sang phòng nồi hơi(3), Đại Lưu vì tổ chức vũ hội ở nhà mà bị giáng xuống một cấp, chồng Phan Lị Lị rất giỏi, vừa mới mua được một chiếc TV đen trắng chín inch…
(3) Nồi hơi: Thiết bị đun sôi nước cỡ lớn nhằm cung cấp nguồn nhiệt cho hệ thống máy móc trong các nhà máy cấm đốt lửa.
Phí Nghê chỉ đơn thuần làm người lắng nghe, cô chưa bao giờ tham dự vào mấy cái đề tài này. Lúc tắm cô luôn chăm chăm nhìn tường, tắm xong thì mặc quần áo thật nhanh rồi lao ra ngoài không chút do dự.
Có người hỏi cô: “Tiểu Phí sao cứ quay lưng về phía các chị thế?”
Một nữ công nhân khác lên tiếng giải thích giùm: “Cưới xong là không thế nữa ấy mà. Thật ra có gì mà ngượng ngùng đâu, đều là đàn bà con gái với nhau cả, nào có ai nhiều hơn ai cái gì, chưa kết hôn cũng chẳng cần kín kẽ thế. Mà này, mai sau ai cưới được Phí Nghê nhà chúng ta thì đúng thật là may mắn nhỉ, trông da mềm mịn chưa này…”
Khuôn mặt Phí Nghê đỏ bừng vì nước nóng. Cô vội vã tắm cho xong rồi đi ra mặc quần áo, mấy giọt nước từ tóc lăn xuống trên xương quai xanh. Trong lúc Phí Nghê đang cài cúc áo sau lưng, tổ trưởng của cô là chị Lưu ló đầu ra buôn chuyện: “Phan Lị Lị bên phân xưởng số ba nói là trong người em độn đồ đấy. Cái cô ả này, chính mình lẳng lơ thì thôi đi, lại còn cứ nghĩ ai cũng giống như mình í. Làm gì có cô gái đứng đắn nào lại độn đồ ở bên trong, người ta còn mong người khác chẳng nhìn thấy gì ấy chứ. Chị đã bảo với cô ta là, Phí Nghê mà độn đồ thì trông còn lớn hơn nhiều, chị tắm chung chị biết, đã thấy bao nhiêu lần rồi.”
Chị Lưu nói chuyện vẫn luôn thân thiết, ấm áp như thế, song Phí Nghê thật sự không có cách nào cảm ơn chị đã ra mặt thay mình được. Ngoài mặt cô vẫn bình tĩnh, nhưng tay cài cúc áo lại càng nhanh hơn lúc trước. Bởi vì ở nhà chỉ có thể lau qua mình nên cô luôn tắm ở trong phòng tắm của xưởng. Thế nhưng tắm nhiều như vậy, cô vẫn chưa thể nào quen với sự thân mật không ranh giới này.
Vì muốn tránh mặt chị Lưu nên Phí Nghê chỉ lau tóc qua loa, sau đó bước thẳng ra ngoài.
Vừa ra đến cổng nhà xưởng, cô đã gặp Phương Mục Dương.