Gần đây vì bệnh tình của Trúc Khanh, ông bà Hưng muốn an ủi con gái nên rủ Minh Hoàng sang nhà nhiều hơn. Hai người mời anh đến chơi như con cháu trong nhà, không đá động đến chuyện hôn ước nữa. Minh Hoàng mang tâm lý thoải mái đến chơi vì anh cũng thực sự xem họ như người thân.
Ông nội biết anh đến nhà này thường xuyên, đã không cản mà còn vui sướng. Sống với ông mấy chục năm, nhìn nụ cười của ông, anh đương nhiên đoán được ông có âm mưu nào đó. Có lẽ trong lòng ông mong anh đến thường xuyên, biết đâu sẽ nảy sinh tình cảm với chị em nhà này. Ai chẳng biết ông nội đang đi theo chiến lược ở cùng nhau lâu ngày sẽ có tình, như kiểu lia thia quen chậu, vợ chồng quen hơi.
Lúc trước nếu anh đi tiếp khách nhiều, ông nội sẽ hờn dỗi kiểu trẻ con, muốn anh ở nhà với ông nhiều hơn. Đôi lúc ông còn làm áp lực, bảo anh sa thải hết cấp dưới vì không biết phân ưu việc của sếp, để anh cả ngày phải đích thân đi tạo mối quan hệ bên ngoài, mấy người đấy không làm được thì đuổi hết luôn đi. Giờ thì bảo anh đừng ở nhà, không cần tối nào cũng ở cạnh ông nội, cứ sang nhà bên kia chơi.
Hiện tại thời gian rảnh của anh đều dành hết cho gia đình Trúc Khanh. Ông nội chẳng có ý kiến gì, trên mặt còn háo hức, cứ như người được vợ sẽ là ông nội chứ không phải anh. Vả lại gần đây ông nội sinh hoạt trong câu lạc bộ dưỡng sinh với mấy ông cụ khác, có bạn rồi nên chẳng cần anh nữa. Ông nội chỉ đưa chỉ tiêu cho anh lấy vợ, sinh chắt trai rồi te te phủi đít đi.
Đáp lại sự nồng nhiệt của ông nội là thái độ dầu muối không ăn của anh, lạnh nhạt hững hờ. Nhiều khi hai ông cháu nói chuyện một lúc, đụng đến vấn đề hôn nhân của anh, râu tóc ông lại dựng ngược. Ông bắt đầu lôi chuyện cháu nội của người bạn ra làm tấm gương sáng cho anh noi theo, bảo rằng người ta nhỏ tuổi mà giờ đã ba đứa con. Trong khi anh hơn ba mươi tuổi đầu, đến người yêu còn chẳng có.
Chuyện này cũng không thể trách anh, là do lỗi của ông nội. Ai bảo ông gieo vào đầu anh sự sợ hãi hôn nhân. Chẳng phải khi anh còn nhỏ, ông thường bảo anh đã có vợ hứa hôn, cấm anh không được quen ai khác. Thế nên từ thiếu niên đến lúc trưởng thành, anh có dám nhìn ngó người con gái nào đâu.
Chưa kể việc liên hôn khiến anh bài xích, nên chỉ cần nhắc đến hai chữ hôn nhân là anh ghét bỏ. Cái kiểu này có lẽ não anh đã hình thành bóng ma tâm lý, hay anh không thích nữ mà là đồng tính nam cũng không chừng. Anh cũng khổ tâm lắm.
Chiều nay chú Hưng lại viện cớ mời anh sang nhà ăn tối, rồi bàn dự án mới. Anh biết đây chỉ là cái cớ. Anh cảm nhận cô chú và cả Trúc Khanh vẫn hy vọng hai đứa sẽ thành đôi. Tiếc rằng anh chỉ xem cô như em gái và chỉ vì lòng tốt mới đến đây.
Sức khỏe Trúc Khanh không ổn, ba mẹ cô vì thương con, muốn anh đến nhà chơi cho cô vui. Thật ra anh rất lo mình lại phạm sai lầm. Anh vì không đành lòng mà đến, còn Trúc Khanh vì sự mơ mộng của riêng cô. Chỉ sợ cô vướng vào chuyện tình cảm và một ngày không có anh, chẳng biết cô sẽ như thế nào.
Anh biết chắc ông bà Hưng cũng đang lo lắng như anh, nhưng vì không nghĩ được phương án nào vẹn toàn. Ông Hưng và anh đều là người làm kinh doanh thành công trên thương trường, nhưng vấn đề nan giải này lại không tìm được phương án để giải quyết, chỉ đành làm theo lương tâm.
Chỉ trách anh quá mềm lòng. Trúc Khanh tuổi đời còn trẻ, anh cũng không mong cô có chuyện. Nếu anh đến có thể khiến tâm trạng cô vui vẻ, bệnh tình bớt hành hạ cô, thôi thì anh ráng ép bản thân. Giờ không nên nghĩ chuyện này đúng hay sai, chỉ làm theo lương tâm mách bảo.
Lúc anh đến, Trúc Khanh mang khuôn mặt vui tươi ra đón anh. Nghe bà Hưng bảo mấy hôm nay sức khỏe cô có cải thiện, nhưng bà vẫn không dám cho cô đi học. Nhìn cô bây giờ tràn đầy sức sống, mấy ai biết được tình hìn của cô vô cùng thê thảm. Minh Hoàng cũng không tưởng tượng được bệnh tình của cô lại diễn tiến xấu nhanh như vậy.
Lúc mới gặp nhau, anh cứ nghĩ tim cô yếu, nên cô chú Hưng chăm sóc cẩn thận hơn người thường, nào có ngờ đâu các cơ quan nội tạng khác cũng đang dần suy kiệt. Hai người bảo anh do cơ thể vừa sinh ra đã không khỏe, các bộ phận khác do uống thuốc tim dài hạn nên bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Tuy bệnh tật nhưng vì được chăm sóc chu đáo, nhìn cô không rệu rạo như mấy người bệnh khác, chỉ là nước da hơi xanh, môi có chút tím tái, còn lại vẫn bình thường. Nhìn cô không khó coi, chỉ là quá mong manh khiến người ta tội nghiệp và không nỡ làm trái ý cô. Minh Hoàng thấy thần sắc không tệ của cô, lòng cũng vơi lo lắng.
“Bữa nay nhìn Khanh hồng hào hơn chút rồi. Sáng giờ có mệt không em?”
Trúc Khanh nhận được sự quan tâm của Minh Hoàng, trong lòng rất hạnh phúc. Cô tự nhủ thầm ngày nào anh cũng đến, vậy đâu phải vô cảm với cô. Nếu tình hình này được duy trì, cô thật sự hy vọng anh sẽ yêu thương cô. Giọng Trúc Khanh vui vẻ:
“Hôm nay em không mệt. Em còn ngồi ở phòng khách chơi đàn được nữa. Nhưng mẹ sợ em mệt, nên không cho em ngồi lâu.”
“Ba mẹ lo cho em. Trúc Khanh thương cô chú thì ráng nghỉ ngơi cho nhiều. Khi nào em khỏe, muốn đàn bao lâu cũng được.”
Giọng anh quan tâm như anh trai dành cho em gái, nhưng Trúc Khanh lại cho là anh có nghĩ đến cô, nên mới lo lắng và cô lại tiếp tục hy vọng.
“Anh Hoàng đến chơi Khanh vui lắm. Khanh sẽ khỏe mà.”
“Được rồi. Con gái đừng nói nữa, sẽ mệt đó. Giờ chúng ta qua phòng ăn nhé con. Anh Hoàng làm từ sáng giờ cũng mệt rồi, ăn xong chúng ta lại trò chuyện nhé con gái.” Giọng ông Hưng yêu thương dỗ dành, khác xa với thái độ hằn học mỗi khi nói chuyện với Thụy Khanh.
Minh Hoàng không muốn nhận xét nhưng mà cách đối xử khác biệt của hai người con gái khiến anh có chút bất mãn. Lúc đầu anh tưởng Thụy Khanh gây ra lầm lỗi gì lớn, nên ba mẹ mới giận cô bé, nhưng qua vài lần tiếp xúc, anh nhận ra cô bé không phải thành phần bất trị, hay ương bướng. Đôi lúc cô giả vờ ngầu, hay xù lông với anh, chỉ để tự vệ.
Sống đến từng tuổi này, tuy là chưa đủ trải đời nhưng cũng tiếp xúc qua nhiều loại người, anh hiểu Thụy Khanh không phải loại con gái nổi loạn. Phải nói là rất ngoan ngoãn và biết điều. Anh nghĩ mãi không ra vấn đề nằm ở chỗ nào. Lối sống của gia đình này sao lại phức tạp như vậy.
Mọi người đi qua phòng ăn. Giờ này chưa được bảy giờ, anh nghĩ cô nhóc đó chắc còn đang dạy Vân Tú. Điều lạ lùng là cả gia đình không có ý đợi cô bé, dường như đã quên cô cũng là một thành viên trong nhà, chẳng ai buồn nhắc đến tên.
Ông bà Hưng đẩy Trúc Khanh ngồi cạnh Minh Hoàng. Hai đứa như một cặp vợ chồng trẻ, ngồi đối diện là ba mẹ vợ, khung cảnh có vẻ hài hòa. Ít nhất trong mắt Trúc Khanh là thế.
Ăn tối xong, Trúc Khanh sợ anh về, lại mè nheo muốn anh ra vườn chơi. Minh Hoàng cũng đồng ý ra vườn nhưng không đi đến bộ ghế ngoài đình có mái che anh và ông Hưng thường ngồi đánh cờ, mà tới gốc vườn địa đàng, nơi có chiếc xích đu trắng mộng mơ của Thụy Khanh.
Trong đầu anh tưởng tượng hình ảnh Thụy Khanh ngồi đong đưa hai chân trên chiếc xích đu xinh đẹp này. Bên trên treo con vẹt nhiều chuyện. Hình ảnh có chút dễ thương và hài hước. Trúc Khanh thấy anh ngồi xuống xích đu, cũng theo ngồi bên cạnh, không thèm che giấu sự vui thích khi ở cùng anh.
Minh Hoàng biết ngồi như vậy không tiện nhưng nhìn Trúc Khanh vui vẻ, anh lại không nỡ dập tắt niềm vui của cô. Chỉ là lòng tự răn đe lần sau không nên như vậy nữa. Có điều anh nghĩ thế nhưng rồi cứ cách ngày ông bà Hưng lại gọi nhờ anh tới an ủi Trúc Khanh. Ngày nào anh không tới, cô bé lại không chịu uống thuốc.
Minh Hoàng mấy ngày đầu còn thấy vui vì giúp người ta, nhưng dần dần lại cảm nhận Trúc Khanh cũng hơi quá, lấy sức khỏe ra làm áp lực với những người yêu quý mình. Minh Hoàng thấy như lòng trắc ẩn của anh đang bị lợi dụng. Là đàn ông mấy ai chịu được người ta điều khiển mình.
Tuy nhiên dù không vui với cách hành xử của Trúc Khanh, nhưng bản tính thương người rộng lượng, vị tha không cho phép anh phớt lờ. Anh vẫn đến nhà họ với thời gian giãn cách. Đôi lúc anh cũng bị đặt vào thế không thể chối từ. Có nhiều hôm sau khi tiếp khách xong anh rất mệt, vẫn bị chú Hưng gọi đến. Cô chú không dỗ được Trúc Khanh uống thuốc, đành làm phiền anh.
Điều lạ là gần đây anh đến thường xuyên nhưng chẳng khi nào thấy Thụy Khanh trong nhà. Lúc đầu anh cứ nghĩ cô trốn trên phòng không muốn xuống. Tuy nhiên nhiều hôm anh tới sớm và ở lại trò chuyện với mọi người đến quá giờ vẫn không thấy bóng dáng cô, cũng như chiếc xe đạp hay được dựng ngay góc vườn quen thuộc. Trong đầu anh thắc mắc mà không tiện hỏi ông bà Hưng, vì biết hai người chẳng kiên nhẫn khi nhắc tên cô.
Minh Hoàng không có cơ hội hỏi thăm chị người làm. Như hôm nay, đã quá trễ mà chưa thấy Thụy Khanh về nhà, tự nhiên anh có chút lo lắng. Không biết cô đã chạy đến nơi nào. Lúc ngồi trên xe về nhà, anh không cầm lòng được bèn gọi vào máy cô. Chuông reo hồi lâu không ai trả lời điện thoại. Anh vừa bực mình vừa bất an trong dạ.
Anh đâu biết Thụy Khanh giờ đang ở phòng trọ cùng bọn Hải Băng. Cả ba nửa nằm, nửa ngồi dưới sàn để chuẩn bị bài vở cho ngày mai. Dù là hoàn cảnh sống nơi đây không tốt bằng phòng công chúa ở nhà, nhưng nó khiến tâm trạng Thụy Khanh vui, không bị gò bó áp bức.
Cô đã ở chung với bọn Hải Băng cả tháng nay. Ăn uống không đầy đủ, nhưng tinh thần vui sướng không gì sánh bằng. Cô chẳng cần nhìn sắc mặt kém vui của ba mẹ, cũng không phải đoán mình đã làm gì sai khiến hai người bất mãn. Nói chung cảm xúc của cô bây giờ cực kỳ tốt.
Thời gian này cô đã quên sự u ám của gia đình. Tiếc rằng tâm trạng đang vui vẻ, tự nhiên thấy cuộc gọi của Minh Hoàng khiến cô nhớ lại nỗi ám ảnh. Cô đâu muốn liên quan đến anh, sao anh lại gọi điện cho cô? Sợ Trúc Khanh và ba mẹ nghi kỵ, Thụy Khanh liền phớt lờ cuộc gọi của anh.
Minh Hoàng gọi lại hai lần, cô cũng không đếm xỉa. Chẳng hiểu kiên nhẫn ở đâu, anh lại nhắn tin cho cô và đương nhiên không nhận được sự trả lời nào. Từ trước tới nay anh gọi người ta, có bao giờ bị ai phớt lờ đâu. Lần đầu tiên trải nghiệm cảm giác bị bơ, cũng không biết diễn tả làm sao.
(Còn tiếp)